Lợi thế của VN trong phát triển công nghiệp điện tử
Dung lượng thị trường tỏ ra là yếu tố thu hút doanh nghiệp sản xuất vào Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp tạo ra sản phẩm tiêu dùng như xe máy, hay có mang tính “thời trang” cao như điện tử gia dụng, nhất là các sản phẩm nghe nhìn.
Về “tinh thần doanh nghiệp”, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài nhà nước có quy mô nhỏ và vừa, Việt Nam cũng được đánh giá là có lợi thế. Qua các cuộc phỏng vấn của tác giả, nhiều doanh nhân Nhật Bản khẳng định, cách thức mà doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực chế tạo của Việt Nam nâng cấp sản xuất khác với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan hay Ma-lay-xi-a.
Ở các quốc gia khác, họ nâng cấp bằng việc đầu tư máy móc thiết bị công nghệ mới, còn doanh nghiệp Việt Nam hầu hết thay đổi bằng việc tự nâng cấp các thiết bị đang có và cải tiến dần trình độ tay nghề người lao động. Điều này giúp tiết kiệm chi phí, giảm rủi ro, tự rút kinh nghiệm và tăng cường học hỏi cho đội ngũ công nhân, quản lý.
Xu hướng này giống cách thức mà các công ty Nhật Bản đã thực hiện. Vì
vậy, nhiều chuyên gia Nhật Bản khẳng định có một nét tương đồng về “tinh thần doanh nghiệp” hay “văn hoá sản xuất” giữa Nhật Bản và Việt Nam. Đây là một lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực.
Theo nghiên cứu của tác giả năm 2008, một trong các nhân tố quan trọng tạo nên thu hút đầu tư và tích tụ công nghiệp ở Việt Nam là trình độ của nguồn nhân lực trong ngành chế tạo. Với 59% doanh nghiệp Nhật Bản tỏ ra rất hài lòng, Việt Nam được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá có nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo cơ bản, nhất là trong các ngành công nghiệp chế tạo liên quan đến các công đoạn cơ khí: rèn, dập, đúc, mạ, tôi… Nền sản xuất kế hoạch hóa trong nhiều năm đã tạo nên một đội ngũ kỹ sư và công nhân có kỹ năng, kinh nghiệm và gắn bó với nghề. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp thường phàn nàn về sự thiếu chủ động trong công việc và khả năng ngoại ngữ kém của nhân lực.