Liên kết doanh nghiệp hàng điện tử
Có một số cách thức để các doanh nghiệp tìm đến nhau. Đa số các công ty đều cho rằng mối quan hệ giữa nhà cung ứng và nhà lắp ráp có sẵn từ lâu, chiếm đến 86%. Các doanh nghiệp không đánh giá cao cách thức tiếp cận thông qua hiệp hội và hội chợ, xúc tiến thương mại… Điều này chứng tỏ sự liên kết giữa các doanh nghiệp mang tính tự phát cao, chưa có sự tham gia tích cực và hiệu quả từ phía các hoạt động hỗ trợ kết nối.
Bản thân các doanh nghiệp lắp ráp hoặc các doanh nghiệp cung ứng cũng đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm đối tác. Có tới 37% doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả của hình thức này. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp lắp ráp, các công ty cung ứng nội địa vẫn chưa thật sự chủ động trong việc tìm kiếm khách hàng. Nghiên cứu năm 2005 về liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp Việt Nam do Ngân hàng thế giới thực hiện cho thấy, 80% nhà cung ứng của các công ty lắp ráp là từ nước ngoài (nhập khẩu) hoặc là doanh nghiệp FDI ở Việt Nam, chỉ có 2% là DNNN và khoảng 18% là doanh nghiệp tư nhân nội địa.
Các Tập đoàn, Tổng công ty lớn của Việt Nam vẫn còn ngần ngại khi sử dụng các doanh nghiệp làm “vệ tinh” cho mình. Do đó, nhiều đơn hàng được phân công khép kín trong nội bộ tập đoàn hoặc tổng công ty, không có nỗ lực tìm kiếm bên ngoài để giảm chi phí. Vì vậy, các doanh nghiệp có đủ năng lực sản xuất mặt hàng trong dây chuyền sản xuất thiết bị đồng bộ đó cũng phải đứng ngoài cuộc. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam thậm chí cho rằng họ chỉ dùng thầu phụ trong các trường hợp bắt buộc, lý do là họ không muốn bị phụ thuộc vào các nhà thầu phụ và lợi nhuận sẽ giảm do không tự tìm được nguồn cung ứng.
Quan điểm và thói quen sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam như vậy đang trái ngược với xu thế chung trên toàn thế giới về phân chia sản xuất và chuyên môn hóa để giảm chi phí. Trên thực tế, mặc dù đã có liên kết, nhưng tư tưởng độc quyền, sản xuất khép kín của doanh nghiệp Việt Nam sau nhiều năm vẫn còn rất nặng nề. Các doanh nghiệp này tự đầu tư sản xuất, kể cả sản xuất linh kiện do mong muốn hạn chế rủi ro và sự phụ thuộc. Tư tưởng này không chỉ tồn tại trong giới doanh nhân, mà ngay cả trong rất nhiều các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan hoạch định chính sách và các chuyên gia ngành. Nếu không thay đổi được nhận thức “sản xuất trọn gói” này, CNHT ở Việt Nam nói chung và CNHT cho ngành điện tử gia dụng không thể phát triển.