Ngành dệt may VN và thị trường Nhật
Ngành dệt may VN và thị trường Nhật
Chúng ta đã biết cơ sở của sự trao đổi buôn bán quốc tế là lợi thế tương đối. Bằng cách thừa nhận là mỗi sản phẩm ra đời đòi hỏi sự liên kết gắn bó của nhiều yếu tố khác nhau (vốn, lao động, tài nguyên, đất đai …) và có sự chênh lệch giữa các nước về yếu tố này, mỗi nước sẽ chuyên môn hóa trong những ngành sản xuất cho phép sử dụng các yếu tố với chi phí rẻ hơn so với các nước khác. Ngành dệt may Việt Nam là một dẫn chứng như thế cho học thuyết này.
Với thị trường Nhật, chúng ta có khá nhiều thuận lợi về lao động, về sự hỗ trợ của chính phủ, các cơ quan hữu quan và thuận lợi về sự tương đồng văn hóa, gần gũi về phong tục tập quán. Tuy nhiên nghiên cứu cho thấy vẫn còn đó rất nhiều tồn tại trong các doanh nghiệp dệt may Việt Nam và những khó khăn, yêu cầu khắt khe về sản phẩm từ thị hiếu người tiêu dùng Nhật Bản khiến cho kim ngạch xuất khẩu hiện nay vẫn chưa tương xứng với nội lực hiện có của ngành dệt may.
Đó là những vấn đề về năng suất lao động, tay nghề công nhân, các thủ tục hành chính, tỷ lệ đáp ứng nguyên liệu, yêu cầu nghiêm ngặt về thời hạn giao hàng, tính đa dạng của sản phẩm … Chúng ta đã biết nền kinh tế thế giới đang ở giai đoạn toàn cầu hóa, sự cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn bởi các nước ngày càng có cơ hội và thuận lợi ngang bằng nhau. Vì vậy việc đề ra các giải pháp để khắc phục những khó khăn nhằm tăng khả năng cạnh tranh là vô cùng thiết yếu và mang tính cấp bách.