Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam

 

Hoạt động xuất khẩu cà phê nói riêng và hoạt động xuất khẩu nói chung của Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như sau:

– Các chính sách, biện pháp tạo nguồn hàng xuất khẩu

+ Xây dựng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực: Mặt hàng xuất khẩu chủ lực phải là loại hàng thoả mãn các tiêu chí: có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định; có điều kiện sản xuất trong nước thuận lợi, với chi phí sản xuất thấp để thu được lợi nhuận trong buôn bán và có khối lượng kim ngạch xuất khẩu lớn, chiếm vị trí quyết định trong tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.

Mặt hàng xuất khẩu chủ lực có thể thay đổi theo từng thời điểm nhất định. Trong thời điểm này có thể xem một mặt hàng nào đó là chủ lực, nhưng trong thời điểm khác nó chưa chắc là hàng xuất khẩu chủ lực. Chẳng hạn hiện nay Việt Nam xác định dầu thô là mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhưng trong tương lai, khi các ngành công nghiệp chế biến của Việt Nam phát triển thì dầu thô có thể không còn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực mà thay vào đó là những mặt hàng khác như: sản phẩm phần mềm vi tính, sản phẩm công nghệ Nano, sản phẩm công nghệ sinh học…

+ Đẩy mạnh đầu tư cho sản xuất hàng xuất khẩu

        Công tác xuất khẩu ngày nay không thể chỉ dựa vào việc thu gom của cải tự nhiên để xuất khẩu mà phải có các cơ sở tập trung sản xuất xuất khẩu, vì vậy phải xây dựng những cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu để tạo nguồn hàng xuất khẩu tập trung, dồi dào, có chất lượng và đạt chuẩn quốc tế. Muốn thế phải đầu tư cho sản xuất hàng xuất khẩu. Trong chính sách đầu tư của Nhà nước cần chú ý đầu tư cho các ngành hàng xuất khẩu và hạn chế đầu tư cho các ngành thay thế nhập khẩu mà năng lực sản xuất trong nước đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu. Tập trung cho các ngành chủ lực, cho các dự án nâng cao cấp độ chế biến, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đối với nông sản phẩm, chú trọng đầu tư đổi mới giống cây trồng, đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến. Ngoài ra trong đầu tư cũng cần chú ý đầu tư trực tiếp cho các hoạt động phục vụ xuất khẩu như: bến cảng, kho tàng, các trung tâm thương mại ở nước ngoài, các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, đầu tư đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu.

Một điểm cũng không kém phần quan trọng là môi trường thuận lợi thu hút mạnh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu. Phát triển một cách hợp lý các khu chế xuất, khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước

+ Phát triển khu chế xuất

Nghị định 36 ngày 24-04-1997 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế khu chế xuất đã định nghĩa: “ khu chế xuất là khu công nghiệp tập trung các doanh nghiệp chế xuất chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện các dịch vụ phục vụ cho xuất khẩu và các hoạt động xuất khẩu, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống”.

        Trên thế giới có gần 850 khu chế xuất, đại đa số tập trung ở Châu Á. Việt Nam đã cấp phép cho sáu khu chế xuất tại các địa phương: Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Nhưng trong thực tế chỉ có hai khu đi vào hoạt động là: Khu chế xuất Tân Thuận và Linh Trung ở TPHCM, riêng khu Linh Trung đã phát triển thành ba khu (Linh Trung 1, Linh Trung 2 và Linh Trung 3 đặt ở tỉnh Tây Ninh).

Nội dung hoạt động của khu chế xuất là tập trung sản xuất hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu, mà người đầu tư chủ yếu là người nước ngoài. Các loại vật tư, nguyên liệu chủ yếu được nhập ngoại. Tuy nhiên, các loại này cũng có thể do nước chủ nhà cung cấp nhưng phải làm các thủ tục xuất nhập khẩu hải quan như khi nhập từ nước ngoài. Nước chủ nhà sẽ cung cấp các dịch vụ như: điện, nước, thông tin, giao thông vận tải, ăn uống, giải trí…cho sự hoạt động của các nhà đầu tư trong khu chế xuất.

        – Chính sách tỷ giá hối đoái

Tỷ giá hối đoái là tỷ lệ so sánh giữa đồng tiền các nước với nhau, hay nói cách khác tỷ giá hối đoái là giá cả của một đơn vị tiền tệ nước này được biểu hiện bằng số lượng đơn vị tiền tệ của nước khác.

Tỷ giá hối đoái ảnh hưởng đến xuất khẩu được biểu hiện thông qua ngang giá sức mua đó chính là sự so sánh và đo lường sức mua tương đối của hai đồng tiền, được tính toán bằng cách so sánh giá cả của cùng một số mặt hàng ở hai nước khác nhau theo giá cả của đồng tiền đó để từ đó xác định tỷ giá hối đoái của đồng tiền này so với đồng tiền nước khác, mà thông thường đồng tiền cơ sở là đô la Mỹ.

Bên cạnh đó, nền tảng của ngang giá sức mua được biểu hiện như sau: nếu như một mặt hàng ở trong quốc gia này rẻ thì xuất khẩu mặt hàng đó sang một nước khác giá đắt hơn thì sẽ có lời hơn, và ngược lại nếu mặt hàng trong quốc gia sản xuất đắt hơn so với giá thị trường nước ngoài thì tốt hơn hết nên nhập khẩu mặt hàng đó sẽ có lợi hơn. Vấn đề này lý giải sự chênh lệch về giá cả của cùng một mặt hàng ở các nước khác nhau trên thế giới, nước nào có lợi thế kinh tế tốt hơn sẽ có điều kiện thuận lợi sản xuất ra hàng hoá với chi phí thấp sẽ là cơ hội để các nước này đẩy mạnh xuất khẩu và ngược lại kích thích nhập khẩu khi mặt hàng đó sản xuất trong nước giá cao hơn. Nói cách khác: khi đồng tiền trong nước giảm giá thì hàng hoá nhập khẩu vào nước đó sẽ đắt đỏ hơn và trái lại hàng hoá xuất khẩu sang nước sẽ rẻ hơn, tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hoám ngược lại nếu đồng tiền trong nước lên giá hàng hoá nước ngoài nhập vào sẽ rẻ hơn và hàng hoá xuất khẩu sẽ đắt đỏ hơn, tạo cơ hội cho các nhà nhập khẩu.

Do vậy khi thực hiện hoạt động xuất khẩu điều cần thiết là duy trì tỷ giá hối đoái sao cho các nhà sản xuất trong nước có lãi kho bán các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp và dich vụ của họ trên thị trường quốc tế.

Tỷ giá hối đoái thực tế nhập khẩu do có thuế và trợ cấp thương mại được tính bằng công thức sau:

                                Etn=Ro (1+tn-Sn+Qn)

Trong đó: Ro: Tỷ giá chính thức.

         tn: Thuế trung bình đánh vào hàng nhập khẩu.

         Sn: trợ cấp trung bình cho nhập khẩu (nếu có).

Qn: Lợi thế do hạn ngạch trung bình đối với hàng nhập khẩu (nếu có).

Tỷ giá hối đoái thực tế xuất khẩu do có trợ cấp xuất khẩu và thuế (nếu có) được tính bằng công thức sau:

Etx=Ro (1+tx-Sx+Qx)

Trong đó: Ro: Tỷ giá chính thức.

         tx: Thuế trung bình đánh vào hàng xuất khẩu.

         Sx: trợ cấp trung bình cho xuất khẩu (nếu có).

Qx: Lợi thế do hạn ngạch trung bình đối với hàng xuất khẩu (nếu có)

Để điều hành chính sách tỷ giá hối đoái đúng đắn có lợi cho hoạt động xuất khẩu trong dài hạn cần phải bảo đảm Etn < Etx.

        -Thuế xuất khẩu        

        Thuế xuất khẩu là một loại thuế được áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu trong đó các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất khẩu hàng hóa phải nộp một khoản tiền nhất định tính bằng tỷ lệ % giá trị hàng hóa hoặc tính theo một lượng tiền nhất định theo khối lượng hàng hóa cho cơ quan quản lý Nhà nước thường là cơ quan hải quan.

        Thuế xuất khẩu làm cho giá cả quốc tế của hàng hóa bị đánh thuế vượt quá giá cả trong nước tức là thuế xuất khẩu làm hạ thấp tương đối mức giá cả trong nước của hàng hóa có thể xuất khẩu xuống so với mức giá cả quốc tế. Điều đó sẽ làm cho sản lượng trong nước của mặt hàng xuất khẩu sẽ giảm đi và sản xuất trong nước sẽ thay đổi bất lợi cho những mặt hàng này.

Trong một số trường hợp việc đánh thuế xuất khẩu không làm cho khối lượng xuất khẩu giảm đi nhiều và vẫn có lợi nhiều cho nước xuất khẩu, nếu như họ có các tác động đáng kể đến mức giá quốc tế (ví dụ như có sự độc quyền của việc xuất khẩu san của Triều Tiên). Một mức thuế xuất khẩu cao và duy trì quá lâu có thể làm lợi cho các địch thủ cạnh tranh.

        Thuế xuất khẩu ít được áp dụng ở các nước phát triển, mà thường được áp dụng ở các nước đang phát triển. Ở Việt Nam thuế xuất khẩu áp dụng với ít mặt hàng và mục tiêu là để nâng cao mức độ chế biến nguyên liệu thô chứ không chỉ vì mục tiêu tăng ngân sách. Điều này thể hiện ở chỗ thuế suất cao được áp dụng cho các hàng nguyên liệu không chế biến và ngược lại. Chẳng hạn gỗ tròn, gỗ xẻ có thuế suất là 20%, còn tranh, tượng gỗ có thuế xuất 5%…

        – Hạn ngạch

        Hạn ngạch là quy định của Nhà nước về lượng giá trị) hàng hóa tối đa được phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu đối với một thị trường hoặc khu vực thị trường cụ thể trong một thời gian nhất định thường là một năm.

                Hạn ngạch xuất khẩu nhằm tránh tình trạng cung vượt quá cầu gây thiệt hại cho các nhà sản xuất và kinh doanh xuất khẩu. Bên cạnh đó còn nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường trong nước (đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong nước) đối với các mặt hàng là thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước. Được áp dụng với các hàng hóa xuất khẩu có nguồn gốc tài nguyên thiên nhiên có nguy cơ bị cạn kiệt hoặc khai thác sản xuất ồ ạt gây ô nhiễm môi trường làm mất cân bằng sinh thái

                – Hạn chế xuất khẩu tự nguyện

                Biện pháp hạn chế xuất khẩu tự nguyện là biện pháp trong đó hai quốc gia thoả thuận với nhau về việc cắt giảm lượng hàng hoá xuất khẩu. Cụ thể là quốc gia nhập khẩu yêu cầu nước xuất khẩu phải cắt giảm lượng hàng hoá xuất khẩu của mình một cách tự nguyện nếu không thực hiện thì nước nhập khẩu sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa thông thường là áp dụng biện pháp đánh thuế nhập khẩu cao đối với hàng hoá đó hoặc các mặt hàng khác, hoặc bằng biện pháp phá giá. Hạn chế xuất khẩu tự nguyện mang tính miễn cưỡng và gắn liền với những điều kiện nhất định. Hình thức này được áp dụng cho các quốc gia có khối lượng xuất khẩu quá lớn ở một số mặt hàng nào đó.

                – Những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật

                Những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật bao gồm các quy định về tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn lao động, bao bì đóng gói, nhãn mác, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh phòng dịch đối với động và thực vật tươi sống, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường sinh thái đối với các máy móc, thiết bị, dây truyền công nghệ(không có chất phế thải độc hại, tiếng ồn quá mức cho phép…). Những quy định này xuất phát từ các đòi hỏi thực tế của đời sống xã hội và phản ánh trình độ phát triển đạt được của nền văn minh nhân loại. Bên cạnh đó những quy định này có tác dụng bảo hộ đối với thị truờng trong nước hạn chế và làm méo mó dòng vận động của hàng hoá trên thị trường thế giới.

                – Các yếu tố về thể chế chính trị – kinh tế – xã hội        

        Các thể chế chính trị – kinh tế – xã hội được thừa nhận tác động tới hoạt động xuất khẩu theo khía cạnh tạo dựng hành lang pháp lý và môi trường xã hội cho các nhà đầu tư.

                Thể chế thể hiện như là một lực lượng đại diện cho ý chí của cộng đồng, nhằm điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế, chính trị và xã hội theo lợi ích của cộng đồng đặt ra. Thể chế được thể hiện thông qua các dự kiến mục tiêu phát triể, các nguyên tắc tổ chức quản lý kinh tế xã hội, hệ thống luật pháp, các chế độ chính sách, các công cụ và bộ máy tổ chức thực hiện.

                Một thể chế chính trị – xã hội ổn định và mềm dẻo sẽ tạo điều kiện để đổi mới liên tục cơ cấu và công nghệ sản xuất phù hợp với những điều kiện thực tế thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Ngược lại một thể chế không phù hợp sẽ gây ra cản trở, mất ổn định, thậm chí dẫn đến phá vỡ những mối quan hệ cơ bản gây ảnh hưởng không tốt cho hoạt động xuất khẩu. Yếu tố thể chế chỉ tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động xuất khẩu theo mục tiêu có lợi và hạn chế các mặt bất lợi.

                – Các yếu tố về điều kiện tự nhiên, vốn, lao động và công nghệ

        + Về lao động: Yếu tố lao động ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của 1 nước khi nguồn lực về lao động dồi dào đặc biệt là đối với các vùng nông thôn và các tỉnh trung du việc dồi dào về nhân công kéo theo giá cả thuê nhân công rẻ và việc đó tạo ra được các mặt hàng phong phú, giá thành sản phẩm thấp, tạo được sức cạnh tranh cho các mặt hàng cũng như tạo ra nguồn hàng dồi dào nhu cầu tiêu dùng trong nước không hết điều đó đòi hỏi các nước phải mở rộng hoạt động xuất khẩu để trao đổi các mặt hàng với các nước trên thế giới

         + Về yếu tố khoa học – công nghệ: Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ đã đem lại nhiều thành tựu trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, trong đó các hoạt động xuất khẩu đòi hỏi áp dụng các thành tựu khoa học là chủ yếu và đã đạt được một số kết quả như:

Các doanh nghiệp thực hiện được quá trình chuyên môn hóa sản xuất ở mức độ cao điều này tạo cho cán bộ công nhân viên trong ngành ngày càng nâng cao được tay nghề

Khoa học phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể trao đổi thông tin nhanh chóng hơn, qua hệ thống mạng Internet giúp cho các nhà kinh doanh các nhà đầu tư thu thập được nhiều thông tin về môi trường đầu tư kinh doanh cũng như các thông tin của các đối tác làm ăn, bên cạnh việc thu thập thông tin các doanh nghiệp cũng có thể quảng bá hình ảnh thương hiệu của mình ngày một đi xa hơn tới các nước trên thế giới mà tốn ít chi phí.

+ Điều kiện tự nhiên

Các yếu tố tự nhiên ảnh hưởng đến nguồn cung đầu vào cho hoạt động sản xuất cũng như hoạt động xuất khẩu, mỗi quốc gia khi có nguồn lực về tài nguyên tự nhiên sẽ có khả năng thực hiện được các hoạt động xuất khẩu. Đối với Việt Nam có các điều kiện thuận lợi để phát triển các hoạt động sang các thị trường trên thế giới ví dụ như Việt Nam có các điều kiện phát triển cây cà phê vì vậy có lợi thế sản xuất xuất khẩu cà phê, điều kiện tự nhiên cùng với các nguồn lực về lao động, kinh nghiệm đã tạo cho cà phê Việt Nam những hương vị riêng, có các yếu tố để giảm giá thành xuất khẩu cà phê chính vì vậy đây sẽ là yếu tố góp phần thúc đẩy xuất khẩu xà phê của Việt Nam.

 

Share

Recent Posts

Cách lập insight khách hàng để nắm bắt nhu cầu của khách hàng

Insight khách hàng là một khái niệm quan trọng trong lĩnh vực marketing và kinh…

5 months ago

Thẻ rút tiền mặt – Những lợi ích và lưu ý mà bạn cần biết

Thẻ rút tiền mặt, hay còn được biết đến với tên gọi phổ quát là…

6 months ago

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm: Chìa khóa vàng cho tài chính tương lai

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm đóng vai trò như “kim chỉ nam”, hé mở…

6 months ago

Khám phá khủng hoảng truyền thông của doanh nghiệp và cách giải quyết

Truyền thông là một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của một doanh…

6 months ago

Lợi ích của kế hoạch quản trị khủng hoảng truyền thông đối với doanh nghiệp.

Trong thời đại số, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng…

6 months ago

Các bước cơ bản để lập kế hoạch quản trị khủng hoảng truyền thông

Truyền thông ngày nay đã trở thành một phần quan trọng và không thể thiếu…

6 months ago