Loại linh kiện cung ứng nội địa hàng điện tử
Theo cơ cấu cung ứng trong MLSX của các nhà lắp ráp điện tử gia dụng, nội địa hoá thực hiện mạnh nhất ở khâu bao bì, chỉ có 25% nhập khẩu và kém nhất ở nguyên vật liệu với 89% nhập khẩu. Trong 3 nhóm cung ứng, các doanh nghiệp FDI cung ứng cho điện tử gia dụng đầu tư nhiều nhất vào sản xuất linh kiện nhựa và cao su (45%), rồi đến kim loại (32%) và cuối cùng là điện, điện tử (22%). Các doanh nghiệp nội địa tham gia mạnh nhất ở nhóm sản xuất linh kiện kim loại với 5%, rồi đến nhóm nhựa cao su với 3% và chỉ 1% trong nhóm điện, điện tử.
Theo thông tin từ phỏng vấn doanh nghiệp của tác giả, các doanh nghiệp ở nhóm điện, điện tử đang chủ yếu cung cấp các linh kiện liên quan đến điện, như: dây dẫn điện, đồng hồ đo điện… chứ hầu như không có các linh kiện điện tử. Mặc dù có khá nhiều doanh nghiệp FDI ở Việt Nam sản xuất linh kiện điện tử, nhưng lại chỉ để xuất khẩu chứ không cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp trong nước, như Fujitsu Nhật Bản ở Đồng Nai hay Foxconn Đài Loan ở Hà Nội. Các doanh nghiệp này chủ yếu sản xuất các linh kiện điện tử của nhóm sản phẩm nghe nhìn hoặc máy tính, CNTT. Kết quả này cũng phù hợp với các phân tích ở chương 1 về thể loại linh kiện liên quan đến kích cỡ trong CNĐT.
Nhìn chung tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam trong sản phẩm cuối cùng của ngành điện tử thấp hơn rất nhiều trong lắp ráp xe máy. Điều này có thể giải thích được bởi công nghệ sản xuất các chi tiết nhựa, kim loại cho công nghiệp điện tử cũng đòi hỏi cao hơn và quy mô sản xuất lớn hơn nhiều ở công nghiệp xe máy.
Trường hợp của Daiwa (hộp 2.3) là một ví dụ điển hình về cung ứng linh kiện nhựa cho cả công nghiệp xe máy và điện tử. Thành công của Daiwa là bài học quí báu cho phát triển CNHT tại Việt Nam. Mới đây nhất, với việc đầu tư máy ép nhựa công suất 1500 tấn, công ty đang nhắm tới sản xuất các linh kiện nhựa có kích thước lớn và tinh xảo hơn cho Toyota Việt Nam.